TIN THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Tin vui với các chủ đầu tư BT tại Đông Anh
Sau 8 tháng nín thở chờ đợi, cuối cùng các chủ đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) đã nhận tin vui khi bước vào năm mới 2019.
Nhiều dự án BT hạ tầng đã làm thay đổi bộ mặt đô thị Hà Nội.
Những mong chờ…
Đầu tư theo hợp đồng BT, hay còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng là một trong 2 phương thức cơ bản trong đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Với nhu cầu phát triển ngày càng cao cả về quy mô và chất lượng trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, nhiều địa phương coi hình thức BT là giải pháp hữu hiệu để hoàn thiện và kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông và các công trình công cộng khác.
Chính nhờ việc kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đã giúp bộ mặt đô thị tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM được cải thiện rõ rệt, nhiều tuyến đường huyết mạch được triển khai, kết nối nhiều khu vực của địa phương, cũng như tạo liên kết vùng, góp sức lan tỏa sự phát triển ra các vùng phụ cận, cũng như mở rộng đô thị.
Theo ông Phạm Quý Tiên, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, đầu tư công hạn chế và cắt giảm, các nguồn vốn ODA cũng giảm dần, việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các công trình giao thông, hạ tầng lại là yêu cầu bức thiết của Thành phố, nên phải phát triển các hình thức PPP thông qua các loại hợp đồng BT, BOT.
Nửa đầu năm 2018, Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho một loạt dự án về hạ tầng giao thông được triển khai theo hình thức hợp đồng BT. Đổi lại, Thành phố giao nhà đầu tư khoảng 700 ha đất đối ứng tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn.
Tuy nhiên, cuối tháng 3/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tạm dừng việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018. Nguyên nhân, theo bộ này, do Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT vẫn chưa có hiệu lực thi hành, dù Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018.
Văn bản trên của Bộ Tài chính khiến nhiều dự án BT đang triển khai ở các địa phương gần như bị tắc. Cả địa phương và chủ đầu tư dự án BT đều dừng lại nghe ngóng.
Là một trong những đia phương có lượng đầu tư theo hình thức BT lớn, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, nếu không sớm có hướng dẫn cụ thể, thì TP.HCM không thể hoàn thành kế hoạch huy động thêm hàng trăm ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa vào phát triển hạ tầng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, TP. Hải Phòng đã ký hợp đồng với một số nhà đầu tư BT để triển khai một số dự án trên địa bàn. Các dự án án đó đã có khối lượng xây dựng hoàn thành khá lớn. Thành phố cũng đã chuẩn bị đất đai để thanh toán.
Tuy nhiên, theo quyết định của Bộ Tài chính về việc tạm dừng thanh toán cho các dự án BT, UBND TP. Hải Phòng bị phạt do không thể thanh toán. Mức phạt hợp đồng tương ứng lãi suất 7,8%/năm. Việc không được thanh toán, nhà đầu tư BT cũng xây dựng công trình tốc độ rất chậm, ảnh hưởng sự phát triển của Thành phố.
… đã thành hiện thực
Sau 8 tháng chờ đợi, cuối cùng các chủ đầu tư, địa phương cũng thở phào nhẹ nhõm khi ngay trong những ngày cuối cùng của năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 160/NQ-CP về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT.
Nghị quyết được ban hành trong ngày 28/12/2018, đúng ngày khai mạc Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương như giải được cơn khát cho cả doanh nghiệp và địa phương.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Ban hành Nghị quyết là để định hướng các địa phương làm cơ sở triển khai, để một trong những hình thức hợp tác công tư không đi vào bế tắc, chứ không có nghĩa là để công nhận sai trái, thất thoát trong các dự án BT trước nay”.
Theo Nghị quyết 160/NQ-CP, với các hợp đồng BT được ký kết từ ngày 1/1/2018, trong đó có điều khoản sử dụng tài sản công để thanh toán, yêu cầu các bộ, ngành địa phương rà soát lại nội dung của hợp đồng đảm bảo tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.
Trường hợp nội dung hợp đồng BT phù hợp với quy định của pháp luật thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo quy định của hợp đồng BT. Trường hợp nếu có nội dung chưa phù hợp với các quy định của pháp luật thì phải đàm phán điều chỉnh lại nội dung hợp đồng BT cho phù hợp với các quy định pháp luật nêu trên.
Đối với các dự án BT đã hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng chưa ký hợp đồng BT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng BT đảm bảo tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan.
Nghị quyết nêu rõ: “Đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm. Trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải điều chỉnh lại hợp đồng BT.
Nếu phát hiện vi phạm (vi phạm pháp luật về ngân sách nhà nước, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý tài sản công và pháp luật liên quan khác...) thì phải điều chỉnh hoặc hủy hợp đồng BT, kịp thời thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật”.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, Nghị quyết 160 thể hiện quyết tâm khơi thông nguồn vốn tư nhân vào hạ tầng của Chính phủ.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, GS.TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển - Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nhận định, động thái này còn thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc xử lý sai phạm trong các dự án, công trình BT, bởi nếu thử thống kê có bao nhiêu dự án BT có sai phạm, thì có lẽ cũng không ít. Để xác minh, làm rõ những sai phạm trong các dự án BT, sai phạm nào chỉ cần điều chỉnh hợp đồng, sai phạm nào đến mức phải hủy bỏ hợp đồng.
Ông Đào cho rằng, cần có sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan chức năng, chủ dự án, những người chịu trách nhiệm liên đới và cả các địa phương, xác định rõ trách nhiệm của mỗi bộ phận đến đâu.
“Sợ nhất là người ta ‘đi đêm’ với nhau. Vì vậy, cần phải yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan có văn bản hướng dẫn chặt chẽ, rõ ràng, đồng thời Chính phủ phải có biện pháp cương quyết cùng các địa phương - những nơi thực hiện dự án BT, quyết tâm làm. Có vậy mới làm được, nếu chỉ đạo kiên quyết, nhưng bên dưới thực hiện không nghiêm thì rất khó xử lý được triệt để”, GS.TS. Đặng Đình Đào nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù đã có Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho dự án BT, nhưng cần phải thực hiện minh bạch, công khai từ Trung ương đến địa phương, kiên quyết thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo. Mặt khác, Chính phủ phải có biện pháp cứng rắn với những trường hợp sai phạm, thậm chí kỷ luật cả cán bộ làm sai. Có như vậy mới mang lại hiệu quả trong đầu tư công, không lãng phí, thất thoát tài sản công.
Văn phòng nhà đất Đông Anh - Mua bán vị trí đẹp, chính chủ
07/04/2020
Tham khảo bài viết dưới đây của văn phòng nhà đất Đông Anh Bắc Sông Hồng để biết thêm thông tin chi tiết về giá đất mới nhất
Dự án hạ tầng ở Đông Anh sẽ có hướng khởi sắc sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố
27/11/2020
Sáng 27/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Huyện ủy Đông Anh về tình hình triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giai đoạn 2020-2025