TIN THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Bắc sông Hồng trong quy hoạch Hà Nội là giấc mơ hay cơ hội !
Hà Nội đã từng đựợc nghiên cứu quy hoạch công phu bởi các KTS tài năng. Qua ví dụ phương án của OMA tại Bắc sông Hồng, hy vọng đồ án của PPJ sẽ có bước tiến hoá hơn khi luôn nhấn mạnh “đặc trưng Hà Nội là thành phố sông hồ”. Tây hồ Tây, Bắc sông Hồng và hấp lực mạnh mẽ
Năm 1999, sau những thành công từ khu công nghiệp Sài Đồng, khách sạn bên công viên Thủ Lệ, tập đoàn DEAWOO đầu tư nghiên cứu, đề xuất với Hà Nội bản quy hoạch TP mới quy mô 8.000 ha, tiếp nhận 1 triệu dân vào năm 2040. Với quan điểm về Hub City, theo đó Hà Nội sẽ là “trung tâm của cả địa cầu trong thế kỷ XXI”, nâng tầm HN ngang với Séoul, Thượng Hải, Los Angeles hay Paris…
Ảnh 1 - Phạm vi nghiên cứu TP mới DEAWOO là 8.000 ha bao gồm Tây hồ Tây và Bắc sông Hồng , bằng diện tích 7 quận nội thành năm 1999 ( BĐ, HK, ĐĐ,HBT, TH, TX, CG)
Ảnh 2 - Phóng to khu vực Bắc sông Hồng, với không gian mặt nước được nhấn mạnh.
Bản quy hoạch được soạn thảo bởi các tư vấn quốc tế rất uy tín: Bechtel phối hợp với văn phòng SOM, Nikken Sekkei và Rem Koolhaas ( OMA) (*). Lúc đó, thu nhập mỗi người VN hơn 500 USD mà dự án với kinh phí khổng lồ (ước tính 30-40 tỷ USD), lại rơi vào thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á, bản thân Tập đoàn DEAWOO cũng gặp rắc rối nên dự án cho dù được phê duyệt nhưng không thực hiện mà ghép nội dung của nó vào bản quy hoạch Hà Nội.
Năm 2007, sau 10 năm, các nhà đầu tư Hàn Quốc trình bày đại dự án sông Hồng, đụng đến Bắc sông Hồng - khu vực có vị trí tiềm năng phát triển nhất Hà Nội lại yên ắng nhiều năm, mặc cho cơn bất động sản lúc nóng lúc nguội. Dự án đã làm xôn xao dư luận.
TP mới mơ ước tưỏng đã lùi xa, thì năm 2008, nhà đầu tư Hàn Quốc đề xuất đường ngầm qua hồ Tây để nối với cầu bắc sang bờ Bắc sông Hồng, ý tưởng này lại hâm nóng dư luận.
Tháng 9/2009, TP chỉ đạo dừng các dự án nghiên cứu quy hoạch khu Bắc sông Hồng, còn khu Tây hồ Tây đã được phê duyệt quy hoạch từ 2007, quy mô hơn 207ha, dân số 78.000 người. Công ty TNHH phát triển T.H.T làm chủ đầu tư và tổ hợp 5 công ty xây dựng Hàn Quốc thực hiện.
Ảnh 3 - Bản vẽ phối cảnh TP mới DEAWOO 1997: “Trung tâm của cả địa cầu trong thế kỷ XXI”
Gần đây có tin doanh nghiệp Việt Nam trình bày với TP nguyện vọng đầu tư một khu đô thị mới phía bắc cầu Tứ Liên tương lai, (cũng là Bắc sông Hồng) quy mô 3.000 – 5.000 ha đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội…nhằm giãn 30 – 50% dân số khu trung tâm thủ đô. Dù không nhấn mạnh thì bắc sông Hồng tự nó là hấp lực mạnh mẽ làm sôi sục nhiệt huyết nhà đầu tư nước ngoài nay đã lan truyền tới các nhà đầu tư nội địa.
Nhận định tư vấn nước ngoài không tiếp cận kỹ về Hà Nội là không công bằng. Họ đã phát hiện vùng đất tiềm năng phát triển nhất của Hà Nội ta cả chục năm nay rồi.
Nhưng cho rằng họ am hiểu Hà Nội thì cũng không đúng. Vì trong báo cáo mới nhất của PPJ họ không phân tích thấu đáo những lợi thế khu Tây hồ Tây và Bắc sông Hồng có vị trí tiềm năng phát triển nhất của Hà Nội hiện tại. Nơi vô cùng thích hợp để bố trí ”Trung tâm hành chính (TTHC) của TP về tây hồ Tây…. Đối với TTHC quốc gia nên tập trung ở phía Bắc sông Hồng (trung tâm Phương Trạch), sẽ khai thác được lợi thế về đất đai cảnh quan và hàng nghìn tỷ đồng chúng ta đã đầu tư trong suốt thời gian qua… Khu trung tâm, khí hậu tốt, cảnh quan đẹp, phù hợp cho trước mắt và cả mai sau, tạo động lực để phát triển phía bắc sông Hồng”, như nhận định của KTS Lê Mạnh Cường – người đã nghiên cứu quy hoạch Hà Nội gần 40 năm, đồng chủ trì Đồ án QH108/1998/QĐ-TTg, đã được Thủ tướng phê duyệt năm 1998.
Giấc mơ đô thị Xanh - điều có thực
Một trong 4 tư vấn quốc tế soạn thảo TP mới DEAWOO là Văn phòng của Rem Koolhaas: Office for Metropolitan Architecture, gọi tắt là OMA - nơi sản sinh ra những ý tưởng thời đại cả trong kiến trúc và qui hoạch đô thị. Không thể kể tên hết những công trình và dự án ông đã hoàn thành trên cả năm châu lục.
Từ đất nước Hà Lan kỳ diệu với các công trình thuỷ lợi, OMA đến Hà Nội năm 1997 với giấc mơ đưa sông nước vào đô thị bắc sông Hồng, giấc mơ ấy ám ảnh tái hiện trong nhiều đồ án.
Ảnh 4&5 - Trích bản vẽ Bắc sông Hồng của OMA và quy hoạch TP Dubai 2008
Sản phẩm mới nhất của OMA là qui hoạch TP Dubai năm 2008. Vốn là một đất nước của sa mạc và cát, những nhà tài phiệt dầu lửa kì vọng vào tài năng của OMA, biến Dubai trở thành TP của nước. Tìm kiếm sự tương đồng với bắc sông Hồng, ta hình dung rõ ràng hơn ý đồ của OMA. Nếu bắc sông Hồng được triển khai kĩ hơn, có lẽ nó không kém gì một Dubai – thiên đường đô thị nước có thực giữa sa mạc cát khô cằn.
Bắc sông Hồng của OMA gồm những dải màu xanh và vàng xen kẽ. Dải xanh là ruộng vườn, công viên vui chơi, cảnh quan tự nhiên. Dải vàng là khu dân cư mới. Chúng trông như những vòng tuổi của một cây cổ thụ.
Trên tấm thảm xanh và vàng ấy, khu thương mại ở vị trí trung tâm và hồ nước nhân tạo lớn sẽ là những điểm nhấn trong đồ án. Tương phản với phần còn lại, mật độ xây dựng ở đây cao, đi kèm với nó là sự phong phú và đan xen giữa các chức năng: Thương mại, văn hóa, nghiên cứu và dịch vụ.
Ảnh 6&7 - Trích bản vẽ Bắc sông Hồng của OMA với mặt nước luôn được nhấn mạnh
Một hồ nước nhân tạo lớn, đối xứng với hồ Tây qua sông Hồng, với nhiều đảo nhỏ, làm rõ nét thêm tầm quan trọng của nước đối với Hà Nội- nhân tố chủ yếu nâng cao chất lượng không gian sống của khu vực, hỗ trợ việc tưới tiêu trong vùng. Nơi đây còn tập trung những hoạt động văn hóa gắn liền với nước, vốn là đặc trưng của Hà Nội – TP nằm trong các dòng sông.
Ảnh 8 - Bản vẽ vị trí các dự án Hà Nội 2005, khu Bắc sông Hồng dự định chia nát thành 30 dự án nhỏ, hồ sát sông vẫn còn.
Ảnh 9 - Phương án C trong báo cáo QH lần 3: mặt hồ điều hoà sát sông Hồng biến mất. Vùng đất tiềm năng phát triển nhất, như ng PPJ lại trình bày thành đô thị rất tầm thường, mờ nhạt.
Hà Nội đã từng đựợc nghiên cứu quy hoạch công phu bởi các KTS tài năng. Qua ví dụ phương án của OMA tại bắc sông Hồng, hy vọng đồ án của PPJ sẽ có bước tiến hoá hơn khi luôn nhấn mạnh “đặc trưng Hà Nội là TP sông hồ” . Thuyết minh của PPJ cũng đề ra mục tiêu: “Tăng trưởng thông minh: Các vấn đề không gian và môi trường, biến không gian mặt nước đô thị thành tiện ích quan trọng..” (**) Muốn làm vậy cần tái hiện lại mặt nước trong bản vẽ quy hoạch mà OMA đã đề xuất.
Ảnh 10 - Nghiên cứu vị trí Hà Nội trong vùng HN của PPJ: Các chấm đỏ TT đô thị , CN, hàng lang phát triển đều ở bên bờ Bắc sông Hồng hay hướng Đông/ Đông bắc Hà Nội - Lợi thế tự nhiên và hạ tầng hiện có tự làm Bắc sông Hồng có hấp lực
Trong phân tích lợi thế vị trí cần nhấn mạnh tính khả thi phát triển đô thị bắc sông Hồng: Khả năng giảm áp lực dân số nội thành một cách trực tiếp, trong thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất. Thay vì đầu tư hàng chục tỷ USD, mất hàng chục năm để làm đường sắt, đường bộ nối trung tâm ra các đô thị vệ tinh phía tây, thì chỉ cần 10% số đó, thực hiện trong 1-2 năm, Hà Nội đã có 2 cây cầu nối đôi bờ sông Hồng, sang bờ bắc.
Không gian đô thị hấp dẫn để hàng triệu dân nội thành vui vẻ di dời sang đó. Đồng bộ với các cơ quan hành chính quốc gia, các công trình công cộng đồng bộ: Khu liên hợp thể thao, triển lãm quốc tế và các cơ hội việc làm, doanh thương, dịch vụ sẽ hình thành nhanh chóng trên vùng đất tiềm năng phát triển nhất, với vị trí cận trung tâm, lợi thế đường bộ, hàng không, đường sông, mặt nước, kết nối hữu cơ với hành lang, vành đai kinh tế cả vùng bắc bộ.
Nguồn : Sưu tầm trên internet và tài liệu của TS Lauren Pandolfi - ĐH Tổng hợp Paris VIII, Viện đô thị Pháp
Văn phòng nhà đất Đông Anh - Mua bán vị trí đẹp, chính chủ
07/04/2020
Tham khảo bài viết dưới đây của văn phòng nhà đất Đông Anh Bắc Sông Hồng để biết thêm thông tin chi tiết về giá đất mới nhất
Dự án hạ tầng ở Đông Anh sẽ có hướng khởi sắc sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố
27/11/2020
Sáng 27/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Huyện ủy Đông Anh về tình hình triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giai đoạn 2020-2025