QUY HOẠCH ĐÔNG ANH
Quy hoạch hai bên sông Hồng những bước thực hiện theo thời gian
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng qua các thời kỳ
Hà Nội đang triển khai quy hoạch sông Hồng, tuy nhiên đây không phải lần đầu công việc này được thực hiện. Trong các năm 1994 và 2006, phía Singapore và TP Seoul (Hàn Quốc) đã có các đề xuất liên quan với quy mô khác nhau.
Quy hoạch sông Hồng gần đây nhất được lãnh đạo Hà Nội nêu ra với với yêu cầu nghiên cứu lập đồ án dọc hai bên sông theo hướng đảm bảo phòng chống lũ, tạo lập một đô thị hiện đại, khai thác hiệu quả quỹ đất...
Dự án Trấn Sông Hồng
Năm 1994, dự án Trấn Sông Hồng được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương, tổng vốn đầu tư dự kiến khi đó là 240 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận với UBND thành phố Hà Nội lúc đó, phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư tử.
Hà Nội cũng đã lập ban quản lý dự án. Tuy nhiên, do có một số vướng mắc, đặc biệt là vấn đề trị thủy nên dự án chưa triển khai được.
Đồ án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng
Giữa năm 2006, lãnh đạo TP Hà Nội và thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội.
Theo đó, thành phố Seoul sẽ cử chuyên gia hỗ trợ Hà Nội xây dựng phương án quy hoạch, cải tạo và khai thác hai bên bờ sông Hồng, bao gồm việc trị thủy, khai thác sử dụng đất và bố trí tái định cư cho người dân. Chi phí nghiên cứu khoảng 5 triệu USD, trong đó thành phố Seoul đảm nhận 90% kinh phí.
Năm 2007, đồ án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng chính thức được giới thiệu đến công chúng Thủ đô. Theo đề xuất của quy hoạch, tuyến đê hai bên bờ sông Hồng sẽ được củng cố, nâng cao khả năng chống lũ, đây cũng là các trục giao thông lớn dọc bờ sông. Tuyến vận tải thuỷ trên sông được cải tạo, kết hợp chặt chẽ với hệ thống giao thông đường bộ.
Phối cảnh dự án thành phố bên sông do các chuyên gia Hàn Quốc lập năm 2006
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự án thành phố bên sông Hồng chia theo 4 khu vực, với tổng diện tích 1.500 ha. Trong đó, khu vực một, từ điểm cuối dự án (Chèm) đến cầu Thăng Long; khu vực 2 từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương; khu vực 3 từ cầu Chương Dương đến gần cầu Thanh Trì; khu vực 4 từ cầu Thanh Trì đến Bát Tràng.
Quy hoạch định hướng khu vực ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội trong tương lai sẽ là nơi ở của 97.000 hộ dân, chiếm 50% diện tích. Diện tích còn lại sẽ dành cho các công trình công cộng và khu thương mại dịch vụ.
Dự án thành phố bên sông được dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, triển khai từ năm 2008 đến năm 2020. Trong đó, xây dựng các công trình là 1,92 tỷ USD, bồi thường tái định cư là 1,5 tỷ USD. Trên 50% số vốn còn lại là xây dựng các tòa nhà chung cư cao từ 30 – 40 tầng, khách sạn 5 sao, khu phức hợp quốc tế công nghệ, tài chính, chứng khoán…
Sau nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, đến năm 2008, dự án quy hoạch thành phố bên sông Hồng bất ngờ bị dừng triển khai.
Ông Tô Anh Tuấn, Nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho biết thời điểm đó, Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính nên lãnh đạo thành phố yêu cầu phía Hàn Quốc thay đổi phạm vi nghiên cứu hơn 100 km sông Hồng qua Hà Nội, thay vì khoảng 40 km như trước, việc này gây tăng kinh phí nghiên cứu của phía Hàn Quốc. Cùng với đó, các nhà quản lý đã thiếu quyết tâm nên dự án đã dang dở.
Một lý do khác, theo ông Tô Anh Tuấn, khi nghiên cứu quy hoạch, phía Hàn Quốc đã đưa ra các biện pháp trị thủy sông Hồng, tuy nhiên đây là vấn đề rất khó khăn nên các chuyên gia có nhiều ý kiến trái chiều.
Đến năm 2015, việc nghiên cứu quy hoạch hai bên bờ sông Hồng được khởi động lại. UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chiến lược phát triển quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội, đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.
Quy mô nghiên cứu dự án này khoảng 3.000 ha (trong phạm vi hai tuyến đê tả và đê hữu sông Hồng hiện có) với chiều dài khoảng 11 km dọc sông. Các nội dung nghiên cứu chính gồm: xem xét các quy hoạch phát triển đô thị của Hà Nội; điều tra hiện trạng; đề xuất chính sách cho sự phát triển đô thị khu vực hai bên sông tại khu vực nghiên cứu, định hướng quy hoạch cảnh quan...
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, khu vực hai bên Sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô.
Trên dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây - Cổ Loa.
Quyết định của Thủ tướng cũng yêu cầu việc quy hoạch mới cần khai thác, kế thừa quy hoạch cơ bản sông Hồng đoạn qua Hà Nội (đã được Thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu) tiếp tục nghiên cứu phát triển đồng bộ hai bên đoạn tuyến chảy qua thành phố, trục không gian cảnh quan văn hóa - đô thị Hồ Tây - Cổ Loa.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng mới nhất sẽ phát triển hai bên sông theo hướng hiện đại
Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được Hà Nội phê duyệt sớm
Ngày 21/7/2021, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của thành phố đã tham dự Hội nghị tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng trước kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Trước quan tâm của cử tri đối với đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn chia sẻ, vấn đề này liên quan đến nhiều bộ, ngành. Hiện nay, đã có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản trả lời, trên cơ sở đồng thuận cao, song yêu cầu tuân thủ phương án phòng, chống lũ.
Thời gian tới, UBND thành phố xin ý kiến của Bộ Xây dựng, sau đó báo cáo Thành ủy, tiếp đó sẽ thực hiện phân cấp theo thẩm quyền. Dự kiến, cuối năm 2021, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được duyệt.
Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (đang lấy ý kiến), dọc hai bên sông thuộc địa phận Hà Nội đều được phát triển khang trang, hiện đại. Cụ thể, quy hoạch được lập ra thành 5 phân khu R1, R2, R3, R4, R5, trên đoạn sông dài 40km, từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Diện tích nghiên cứu khoảng 11.000ha, thuộc địa bàn 13 quận, huyện. Dân số theo nhiệm vụ quy hoạch được duyệt là 130.000 – 160.000 người, còn dân số do quy hoạch đề xuất khoảng 280.000 - 320.000 người.
Quy hoạch định hướng khu vực này sẽ là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô. Quy hoạch cũng bố trí các dịch vụ giao thông đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị, kết nối và hình thành trục không gian văn hoá cảnh quan sinh thái (trục tâm linh Hồ Tây – Cổ Loa) phù hợp với quy hoạch 1295 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Trong đó sẽ phát triển hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông, đường dành cho người đi bộ và xe đạp. Có hệ thống cầu, hầm kết nối đô thị hai bên bờ sông, kết nối giao thông đô thị và đường thủy…, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực.
Đồng thời chú trọng cải tạo, chỉnh trang hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp với khai thác quỹ đất hai bên sông để tạo lập diện mạo kiến trúc đô thị hai bên bờ sông.
Tuy nhiên, không cơi nới ở trong lòng sông, không thu hẹp chỉ giới thoát lũ. Đồ án quy hoạch cũng xác định diện tích và các chức năng tại tám khu vực bãi sông Hồng gồm: Tàm Xá - Xuân Canh, Long Biên - Cự Khối, Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức, Bắc Cầu - Bồ Đề.
Ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy hoạch ven sông Hồng mới nhất
Theo đó, Bộ đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội cho ý kiến về quy hoạch này.Bộ nhất trí với đa số nội dung quy hoạch, tuy nhiên cũng không đồng ý về một số đề xuất được nêu trong đề án.
Cụ thể, đối với đề xuất giữ lại khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích: quy hoạch 257 ((Phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình) đã xác định một số khu dân cư nằm sát bờ sông, thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn, khi có lũ cần phải di dời. Trong đó có khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề.
Mặt khác, trong quá trình thành phố rà soát điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết trên địa bàn, đã xác định các khu dân cư trên cần từng bước di dời để đảm bảo an toàn. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thực hiện theo Quy hoạch 257.
Ngoài ra, Bộ này cũng đề nghị bổ sung danh mục (giữ lại, cải tạo chỉnh trang, tái thiết) các khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng chưa có trong phụ lục của Quy hoạch 257.
Riêng đối với 3 khu vực bãi sông Tàm Xá - Xuân Canh, Thượng Cát - Liên Mạc, Chu Phan - Tráng Việt, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đây là khu vực được phép xây dựng và có thể nghiên cứu nhưng hồ sơ Bộ nhận được không có thông số cụ thể về diện tích quy hoạch xây dựng tại các khu vực bãi sông nêu trên.
Đối với khu dân cư Kim Lan - Văn Đức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với đề nghị của thành phố Hà Nội là giữ lại. Khu dân cư này hiện có thuộc bãi sông Xuân Quan, Phụng Công (thị trấn Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), đã được xác định trong danh mục dân cư tập trung tại Quy hoạch 257.
Còn với bãi Tàm Xá - Xuân Canh, tổng diện tích đất xây dựng đã vượt quá đất được xây dựng và chưa quy hoạch xây dựng về phía tuyến đê hiện tại theo Quy hoạch 257. Đối với bãi Thượng Cát - Liên Mạc, Chu Phan - Tráng Việt, tổng diện tích đất quy hoạch xây dựng vượt quá 5% phần diện tích bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Hà Nội chỉ đạo triển khai sớm lập phương án phòng chống lũ các tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch thành phố trình Thủ tướng phê duyệt theo quy định của Quy hoạch 257; Chỉ đạo nghiên cứu bổ sung quy hoạch phân khu về đầu tư nâng cấp củng cố hệ thống đê điều thuộc phạm vi quy hoạch. Trong đó ưu tiên xử lý những vị trí trọng điểm, vị trí xung yếu như cống Liên Mạc, khu vực đê Hải Bối…; Không quy hoạch đất xây dựng tại các khu vực bãi sông không thuộc hoặc có vị trí không phù hợp với danh mục bãi sông được phép xây dựng…
Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ đất bãi sông, đê điều, bãi nổi, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường ở bãi sông theo quy hoạch; Có giải pháp quản lý khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại theo quy hoạch, không để phát triển thêm số khu, diện tích, số hộ dân ngoài bãi sông. Đồng thời rà soát, xây dựng phương án lộ trình di dời các khu vực dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn và các hộ dân vi phạm pháp luật về đê điều…
Dự án xung quanh đường dẫn cầu Tứ Liên
22/11/2024
Trong phạm vi 2 bên đường dẫn tương lai sẽ hình thành các khu đô thị như Vinhomes Cổ Loa, khu đô thị G 12, G 13, G 14, G 15, khu công viên văn hóa Cổ Loa, khu sinh thái gần chỗ nút giao với Vành đai 3 và đặc biệt đó là Trung tâm hội nghị quốc gia được Vingroup xây dựng mang tầm quốc tế
Bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 Đông Anh
21/11/2024
Bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực dân cư trên địa bàn Đông Anh, Dong Anh Future phần mềm duy nhất tại Đông Anh kiểm tra được quy hoạch chi tiết, Vị trí, định vị thửa đất, dự án, khu đấu giá chính xác tuyệt đối